Trong mối quan hệ với tổng tài sản, lượng tiền/tổng tài sản lớn nhất đang là Nam Long Group (NLG).
Thống kê 16 doanh nghiệp bất động sản niêm yết theo số liệu trên báo cáo tài chính quý IV/2018 thấy rằng một số công ty đang có lượng tiền và tương đương tiền khá lớn.
Bốn doanh nghiệp có tiền và tương đương tiền cao hơn trung bình ngành, gồm Tập đoàn Novaland, Vinhomes, Nam Long và Khang Điền.
Trong mối quan hệ với tổng tài sản, nhiều doanh nghiệp cũng có tỷ lệ cao hơn trung bình ngành. 7 doanh nghiệp có tỷ lệ tiền/tổng tài sản lớn hơn 8%, gồm Nam Long, Khang Điền, Novaland, CENLand, LDG, DIG hay Đất Xanh.
Đặc biệt, Nam Long đang có tỷ lệ tiền trên quy mô tổng tài sản lớn nhất trong các doanh nghiệp niêm yết được khảo sát.
Sở hữu lượng tiền lớn có thể nói là ưu điểm của doanh nghiệp trong lúc này, bên cạnh một cấu trúc tài chính lành mạnh.
Các chuyên gia cho rằng năm 2019, thị trường bất động sản được dự báo sẽ có một số khó khăn như thiếu quỹ đất trung tâm, doanh nghiệp phải dạt ra vùng ven để phát triển dự án; siết tín dụng vào bất động sản; lãi suất có thể tăng nhẹ… Với các kế hoạch mở rộng, gia tăng quỹ đất, phát triển dự án, việc nắm nhiều tiền mặt trong tay được xem như lợi thế lớn của doanh nghiệp.
Trong một lần gặp gỡ nhà đầu tư, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long nhớ lại khoảng 6 – 7 năm trước đây, Việt Nam rơi vào khủng hoảng tài chính, lãi suất vay ngân hàng có khi lên tới 25%, thậm chí Nam Long từng phải vay lãi lên 27%, thị trường bất động sản đóng băng. Ông Quang thừa nhận có lúc “mất ngủ” vì lãi suất tăng cao, chịu áp lực tài chính.
Do đó, với một thị trường bất động sản đang có giá cao như hiện nay, ông Quang cho rằng tiền mặt của Nam Long chưa quá nhiều hay dư thừa. Mới đây, Nam Long đã chi 2.300 tỷ đồng mua dự án 170 ha đất tại Đồng Nai để triển khai đầu tư dự án Dong Nai Waterfront City. Ngoài dự án này, Nam Long cũng góp vốn phát triển một dự án ở Nhơn Trạch, Đồng Nai hay cùng đối tác Nhật làm 165 ha giai đoạn 1 của Waterpoint Long An.
(Nguồn: http://ndh.vn)